Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

CÂU CHUYỆN CỦA BA TÔI 
 (Bài dự thi chào mừng ngày NGVN 20/11)

Ba tôi kể: Cách đây 20 năm về trước, ngày 20/11/1993,  ba tôi lúc đó là sinh viên, đi thăm thầy giáo dạy Văn của mình. Thầy ở trong khu tập thể dành cho giáo viên. Đó là một khu nhà cũ không còn chỗ nào cũ hơn, đen đúa, nhôm nhoam và xập xệ. Vì là nhà tập thể, nên phòng nào cũng giống như nhau. Ban ngày mà hành lang tối om, nhưng vì hay lên chỗ thầy chơi nên ba quen  lối, cứ thế mà mở cửa phòng và cất tiếng gọi : “Thầy ơi!” Thật bất ngờ, tiếng đáp trả không phải giọng quen thuộc của thầy mà là một  giọng vừa lạ vừa quen. Ba  sững sờ khi trước mắt không phải thầy dạy Văn mà  là thầy dạy Chính trị.
  “Chết rồi, đi nhầm phòng!”. Định nói lời xin lỗi, nhưng ba không thể nói được gì cả, cũng không lui được, khi thấy thầy cũng ngạc nhiên không kém và liền sau đó vội vàng kéo tay : “Mời em ngồi xuống”. Cuối ngày 20/11 rồi mà căn phòng không hề có dấu hiệu có sinh viên đến thăm. Không để ý đến ba, thầy rót nước và hỏi thăm quê quán, cha mẹ, việc học hành và hỏi : “Em đi thăm thầy cô nhiều chưa ?”. Ba tôi đọc trong mắt thầy những vệt buồn như chưa dứt. Hình như có gì đó như câm nín, lặng sâu trong đôi mắt già đục của thầy giáo già sắp đến tuổi hưu. Môn Chính trị, với sinh viên là môn khó “nhằn”, khô khan và như thế,  sự quan tâm, yêu mến và tình cảm của sinh viên với bộ môn và giáo viên môn này cũng…khô khan không kém. Hơn một giờ nói chuyện, ba chỉ ngồi nghe thầy nói. Xuất thân từ làng quê nghèo nào đó ở Quảng Trị, thầy đi bộ đội, giải phóng ra là thương binh, nhưng thầy không bỏ nghiệp chữ nghĩa, bằng mọi cách ôn thi rồi đi dạy. Hình như hoàn cảnh gia đình thầy cũng không vui. Nhìn dáng thầy khắc khổ, co mình trong cái lạnh của mùa đông xứ Huế, mọi suy nghĩ không hay về cái  gọi là …khô như ngói của môn học, tiêu tan trong ba. Thầy bắt tay ba thật chặt và chúc học giỏi, cố gắng biến những kiến thức đã học thành công cụ hữu ích để ra trường làm việc có hiệu quả, không uổng phí 4 năm sinh viên và thật không ngờ, thầy nói tiếp: “Em học văn, hãy nhớ văn chương sẽ không là chi cả nếu không chạm đến thân phận con người!”
     Rời phòng thầy,  lòng ba hoang lạnh như gió bấc. Thầy, hình như đã rất cô đơn trong ngày này. Có lẽ, một sinh viên tình cờ đi lạc phòng đã dấy lên trong thầy chút niềm vui bất ngờ, một chút thôi, còn lại bồi thêm trong  lòng thầy nỗi buồn chất chồng hơn. Nhìn quanh, ai cũng vui khi tấp nập sinh viên đến thăm. Còn thầy, không thấy một tấm danh thiếp, một bó hoa. Hay là thầy đã quá quen với cảnh đó, nên mọi sự trở nên bình thường ? Ba nói ba không tin người ta sống quen với nỗi buồn, bởi nỗi buồn là kim châm vào sự cô đơn, mà khi nắng khi mưa khi nóng khi lạnh, sự cô đơn cất những tiếng gọi thiết tha với từng cung bậc khác nhau…
  
Nghe ba khép lại câu chuyện của mình bằng giọng buồn bã, tôi ứa nước mắt vì thương. Lâu nay, học sinh chúng tôi cứ nghĩ, ai là giáo viên thì trong ngày 20/11- ngày dành riêng cho họ, thì thầy cô giáo nào cũng sẽ có học sinh đến thăm, không cũ thì mới và ngược lại. Nhưng hiếm ai biết rằng, đâu đây ngay bên cạnh chúng ta, cũng có những người thầy, người cô tận tụy hết mình vì nghề giáo, nhưng cái họ nhận lại chỉ là đồng lương ít ỏi và căn nhà lạnh ngắt, vắng hẳn tiếng cười nói ấm áp của học trò trong chính ngày tri ân thầy cô. Họ sẽ đau xót biết bao nhiêu, nhưng biết thổ lộ cùng ai bây giờ, họ lặng thầm cống hiến, rồi thầm lặng ra đi, không một tiếng đòi hỏi...Tôi nghe câu chuyện của ba mà lòng như xát muối, đau đến nhường nào, cô đơn biết mấy, và phải chăng bao đêm có những giọt nước mắt rơi vô định vào một khoảng không gọi là vô tận, ai hiểu nổi, nhưng họ vẫn sống, vẫn tận tụy dạy, cống hiến hết mình cho nền giáo dục nước nhà, để mai này, thế hệ trẻ ngày nào sẽ trưởng thành,  tiếp bước cha anh, xây dựng đất nước  ngày càng to đẹp hơn.
Nhân ngày 20/11 - ngày tri ân thầy cô, tôi xin gửi đến những người làm nghề giáo lời cảm ơn chân thành xuất phát từ con tim của một học sinh trong số những học sinh của thầy, của cô, và hơn thế là một chữ "Kính" không quên.

                                                                     Lê Hoàng Mộc Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét