Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

                             BÀI THI GIỚI THIỆU SÁCH

                              CHI ĐỘI LƯƠNG KHÁNH THIỆN - LỚP 7/2
Bạn có bao giờ tin rằng, có một cô bé 13 tuổi đã viết một cuốn sách, hay nói rõ hơn là một cuốn nhật kí, làm rung động hàng triệu triệu trái tim người đọc bằng những lời văn trong sáng, hồn nhiên nhưng thể hiện rõ nét khát khao cháy bỏng được sống, được viết, và qua đó đã tố cáo tội ác chiến tranh của Phát xít Đức trong Thế chiến lần thứ II hay không? Khi nói tới đây, chắc các bạn cũng sẽ biết được tôi đang nhắc đến ai. Vâng, không ai khác chính là Anne Frank – tác giả của cuốn nhật kí cùng tên.
Anne Frank.
Năm 1939, Thế chiến thứ II bùng nổ, người Đức xâm lược Hà Lan, và cũng như những nơi khác ở châu Âu, các chính sách bài Do Thái được áp dụng ngày càng tàn khốc. Chẳng bao lâu, Anne đã phải đeo ngôi sao màu vàng – một dấu hiệu để phân biệt người Do Thái và rời khỏi trường học. Ngay trong tháng 2/1941, 450 người Do Thái đã bị bắt trong nước. Lịch sử tăm tối đã đuổi kịp gia đình Frank!
Tủ sách mà ông Otto ngụy trang

Hiểu rằng không thể chịu đựng mối đe dọa này lâu hơn được nữa, ông Otto Frank – cha của Anne đã đưa cả gia đình lẩn trốn tại nơi làm việc của mình. Nơi này gồm có hai phần, phần trước và phần sau, thông nhau ở tầng 2, nơi mà Otto đã ngụy trang bằng một cái tủ sách, trong cuốn Nhật ký dịch là “Chái nhà bí mật” chính là phần sau của căn nhà. Sau khi sắp đặt xong chỗ nấp và dùng mọi cách đề phòng để không ai có thể phát hiện ra sự tồn tại của nó, gia đình Frank đã dọn đến đây vào tháng 6/1942, chẳng bao lâu cũng có một gia đình Do Thái khác và một nha sĩ – cũng là người Do Thái đến ẩn nấp cùng. Ở nhà trước cũng có một vài cộng sự của ông Otto làm việc, họ đã dũng cảm cung cấp lương thực, quần áo và thông tin cho những người sống chui lủi, tách biệt với thế giới bên ngoài…
Chái nhà bí mật nơi Anne cùng các gia đình ẩn nấp
Và cũng tại đây, trong suốt 2 năm trốn tránh cùng gia đình khỏi bọn Đức Quốc xã, Anne Frank đã tiếp tục viết cuốn nhật ký bằng tiếng Hà Lan mà cô bé bắt đầu viết vào ngày 14/6/1942 - khi chưa ẩn nấp cùng gia đình. Cuốn nhật ký được viết dưới hình thức thư gửi cho một người bạn gái mà cô gọi là Kitty. Trong nhật ký, cô đã kể lại cuộc sống hàng ngày của mình và đưa ra những ý kiến về chiến tranh, về tình cảnh của người Do Thái và tương lai một cách sống động. Nó đôi khi bị ngắt quãng và dừng hẳn vào ngày 1/8/1944. Từ đầu năm 1944, Anne đã soạn lại cuốn nhật ký của mình, sửa chữa và bổ sung với ý định một ngày nào đó sẽ xuất bản nó, cô luôn muốn trở thành một nhà văn hoặc nhà báo. Một ước mơ thật cao đẹp!

Nhưng tiếc thương thay, sau những năm tháng sống không bằng chết: “phải đối mặt với cái đói, sự buồn chán, sự khắc nghiệt của cuộc sống, bị giam hãm như cầm tù trong một nơi phải gọi là không được phép có ánh sáng, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ về bị lộ, về cái chết đang hiện diện trước mắt…”, ngày 4/8/1944, cảnh sát và nhân viên mật vụ Đức nhờ có “chỉ điểm” đã ập vào “nhà sau” và bắt giữ tất cả gồm 8 người. Họ bị đưa vào trại tập trung, và Anne đã chết tại đó vào những tháng đầu tiên của năm 1945 vì dịch sốt cháy rận – một đại dịch đi kèm với chiến tranh và nạn đói, chỉ vài tuần trước khi chiến tranh kết thúc. Cô chưa đầy 16 tuổi! 8 con người sống ở “nhà sau”– 8 sinh mạng bé bỏng, 7 người đã về với Chúa nơi thế giới bên kia cùng hàng trăm người Do Thái khác, an nghỉ yên lành. Trong gia đình Frank, chỉ có ông Otto là sống sót qua cơn khủng khiếp đó, khi trở về, ông đã tìm thấy cuốn nhật ký của Anne, những truyện ngắn mà cô đã viết cùng mớ giấu tờ lộn xộn trên sàn sau khi bọn Gestapo, tức Đức Quốc xã lục soát và bắt cả gia đình đi. Tôn trọng nguyện vọng của con gái, ông đã cho xuất bản cuốn nhật ký vào năm 1947, được dịch ra 50 thứ tiếng và dựng thành phim, thành kịch và truyền hình...
Cuốn nhật ký mà Anne đã viết...
“…Tôi hình dung một cô bé vui tươi đầy sự sống bị cầm tù bởi chiến tranh…” – đó là những chia sẻ của dịch giả Đặng Kim Trâm – em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, sau khi đọc và dịch cuốn sách.

"...Điều cao quý đã tạo nên giá trị nhân bản hiếm có của Nhật ký, ấy là dù sống mấp mé bên cõi chết, trong tình cảm và ý nghĩ của Anne Frank tuyệt nhiên không hề gợn lên chút thù hận; mà ngược lại, trên từng trang tỏa sáng một tâm hồn nhân hậu, với hy vọng, yêu thương và nguyện cầu..." - Hoàng Phủ Ngọc Tường ( Trích "Nhật ký của Anne Frank" trong cuốn "Người ham chơi")
Cuốn nhật ký được dịch sang tiếng Việt
 Những điều tôi nói trên chỉ là một trong vô vàn những điều cảm nhận từ Anne và một minh chứng sống động cho con người cô – cuốn nhật ký. Bạn hãy đọc và cảm nhận xem Anne đã làm gì, ở đâu và như thế nào nhé! Xin trân trọng kính chào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét